Chủ tịch Techcombank trần tình chuyện chảy máu chất xám

Chủ tịch Techcombank trần tình chuyện chảy máu chất xám

Chủ tịch Techcombank trần tình chuyện chảy máu chất xám
Ông Hồ Hùng Anh cho rằng nhân viên Techcombank ra đi nhiều trong năm qua chủ yếu sang các ngân hàng ngang hoặc dở hơn.
  • Đại diện HSBC rút khỏi ban lãnh đạo Techcombank
Trong giai đoạn ngành tài chính biến động, Ngân hàng Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) cũng bị ảnh hưởng khi nhiều nhân sự bị chuyển sang ngân hàng khác, mà nguyên nhân được nhắc tới nhiều là tiền lương.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra sáng 19/4, trước ý kiến của một cựu nhân viên cho rằng thời gian qua Techcombank chảy máu chất xám quá nhiều, ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch ngân hàng cho rằng chưa quá lo ngại.
"Nhân viên Techcombank thường sang các ngân hàng ngang hoặc dở hơn chứ không phải sang các định chế tài chính lớn trong và ngoài nước", ông Hồ Hùng Anh phát biểu. Bên cạnh đó, nhân viên xin thôi việc cũng tập trung ở nhóm cán bộ cấp bậc thấp, còn cấp cao rời ngân hàng chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ.
techcombank-7421-1397895140.jpg
Lãnh đạo Techcombank thừa nhận năm qua nhân sự tại ngân hàng biến động mạnh.
Khẳng ngân hàng luôn chú trọng đến công tác nhân sự khi các chi phí về tiền lương, đào tạo không giảm mà chỉ tăng, song Chủ tịch Techcombank cũng chỉ ra những nguyên nhân khiến nhân sự biến động mạnh thời gian qua là việc sử dụng quỹ đào tạo chưa thực sự tốt, chỉ 30-40% quỹ này được sử dụng mỗi năm.
Đặc biệt, sự kết nối giữa lãnh đạo với nhân viên vẫn còn nhiều hạn chế. "Năm vừa qua lượng nhân viên ngân hàng ra đi tương đối nhiều, tập trung chủ yếu ở cán bộ cấp bậc thấp. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do cán bộ quản lý có thể làm tốt công việc của mình nhưng chưa biết cách chăm lo và tạo môi trường làm việc tốt cho nhân viên trong tầm quản lý", Chủ tịch Techcombank nêu.
Để tránh bị các ngân hàng khác mời mọc, chèo kéo, lãnh đạo Techcombank khẳng định mục tiêu hàng đầu phải tạo được môi trường làm việc và hướng phát triển dài hơi cho nhân viên, ít nhất 5-10 năm. "Nếu tạo được môi trường làm việc tốt, nhân viên có cơ hội được học tập, đào tạo thì không có chuyện bị lung lay sang các ngân hàng khác", vị này nhấn mạnh.
Đối với cán bộ cấp cao, Techcombank chia làm hai nhóm, một là có thể đào tạo để trở thành nhà quản lý, hai là sẽ chắp cánh làm chuyên gia. "Một cán bộ khi phát triển có thể lựa chọn hai hướng đi và đều được hưởng đãi ngộ như nhau, tùy thuộc vào năng lực của mình", ông Hồ Hùng Anh cho biết.
Với nhân viên cấp dưới, Techcombank sẽ ra một loạt các chính sách phúc lợi, trong đó chú trọng cải thiện thu nhập. Ngân hàng sẽ thiết lập lại chương trình đánh giá năng lực cho từng vị trí và xây dựng con đường công danh cho mỗi cá nhân. Theo đại diện ngân hàng, quá trình này sẽ giúp người lãnh đạo biết rõ năng lực từng cán bộ, tiến tới điều chỉnh lương hợp lý và tạo cơ hội cất nhắc các cá nhân giỏi.
Ngoài ra, lãnh đạo Techcombank cũng được yêu cầu phải kết nối nhiều hơn với nhân viên trong các hoạt động, chứ không đơn thuần chỉ chú trọng chuyên môn. "Cán bộ lãnh đạo phải có trách nhiệm cùng nhân viên tham gia các sân chơi", Chủ tịch ngân hàng nhấn mạnh. Theo ông, trong 6 tháng trở lại đây, độ gắn kết giữa lãnh đạo với nhân viên tăng lên nhiều.
Ông bày tỏ khi ngân hàng lợi nhuận tốt, sẵn sàng trả lương cao hơn, lúc đó câu chuyện gây nhức đầu ngày hôm nay sẽ không còn.
Liên quan đến cổ tức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hồ Hùng Anh khẳng định ngân hàng không có chiến lược trả cổ tức trong 5 năm để tập trung củng cố các chỉ tiêu an toàn vốn và tham vọng phát triển của tổ chức, nhất là việc tuân thủ theo các tiêu chuẩn của Basel II. "Mong muốn có cổ tức hàng năm thì bản thân tôi cũng muốn vì là cổ đông lớn, nhưng mục tiêu hàng đầu là phải tạo được vốn cho ngân hàng, tăng giá trị cổ phiếu, đảm bảo các tỷ lệ an toàn", ông nói.
Trước ý kiến cho rằng Techcombank đang bị các đối thủ vượt qua về quy mô, ông thẳng thắn: "Techcombank chưa bao giờ tham vọng là ngân hàng lớn nhất Việt Nam" mà chỉ đặt mục tiêu là ngân hàng tốt nhất. Theo ông, Techcombank từng trải qua giải đoạn phát triển nhanh cách đây nhiều năm, song mục tiêu hiện tại là phải phát triển bền vững, nâng cao chất lượng tăng trưởng.
Vị này khẳng định sẵn sàng xem xét mua bán - sáp nhập (M&A) với các tổ chức khác nếu có cơ hội, song đây không phải là mục tiêu trước mắt mà sẽ chỉ được tiến hành khi xây dựng xong các chuẩn mực.
Về việc bán nốt 10% cổ phần cho đối tác ngoại, ông Hồ Hùng Anh nhận định chưa thể thực hiện được trong năm nay hoặc năm sau. Hiện ngân hàng Hong Kong Thượng Hải (HSBC) nắm 19,4% cổ phần của Techcombank, trong khi quy định cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được nắm tối đa 30% vốn điều lệ một ngân hàng.
Phương Linh

, ,

Previous
Next Post »