Doanh nhân TP HCM giãi bày khó khăn với Chủ tịch nước
- Chính phủ: 'Kinh tế đang phục hồi rõ nét' / Bà Phạm Chi Lan: Doanh nghiệp Việt chịu nhiều thiệt thòi
Tại buổi tiếp xúc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM với các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch Hiệp hội nhựa Thành phố cho biết ngành hiện phụ thuộc rất nhiều vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Trung bình hàng năm các doanh nghiệp phải chi đến 6 tỷ USD cho hoạt động này. "Nếu không giải quyết được nguồn nguyên liệu thì chắc chắn hiệu suất kinh doanh sẽ không cao", vị này nhận xét.
Tương tự, ngành may thêu thành phố cũng gặp khó. Ông Phạm Xuân Hồng - Chủ tịch hội dệt may cho biết 6 tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2013, nhưng lợi nhuận và hiệu quả giảm do giá cả nguyên liệu và chi phí sản xuất đều tăng.
Đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM tiếp xúc với các doanh nghiệp trên địa bàn sáng 28/6. Ảnh: Hữu Công |
"Khó khăn muôn thuở của ngành may mặc là nguyên liệu phụ thuộc nhiều vào nước ngoài. Hiện nay, có đến 70% nguyên liệu của ngành dệt may phải nhập khẩu, trong đó riêng nhập từ Trung Quốc là 30%. Doanh nghiệp trong nước luôn ao ước có những chính sách phát triển ngành công nghiệp phụ trợ để giải quyết phần nào đó khó khăn", ông Hồng nói.
Không chỉ khó về nguyên liệu, theo các doanh nghiệp, lãi suất cho vay của một số ngành hiện ngất ngưởng khiến các doanh nghiệp trong nước rất khó khăn để tiếp cận được nguồn vốn. Đơn cử, lãi suất lĩnh vực bất động sản dao động ở mức 12 -13% trong khi thị trường này chưa có dấu hiệu khởi sắc.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hiệp hội kim hoàn, đá quý Thành phố cho rằng các chính sách quy định về lĩnh vực kinh doanh vàng đang có nhiều bất cập. "Quy định cấm không cho vay tiền để kinh doanh mua bán vàng trong khi các doanh nghiệp ngành khác thì được khuyến khích ưu đãi là sự phân biệt đối xử, không bình đẳng giữa các doanh nghiệp", ông Dưng bức xúc.
Tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp bày tỏ lo ngại tình trạng áp đảo của các doanh nghiệp FDI làm giảm khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Những chính sách hỗ trợ thu hút vốn đầu tư nước ngoài không những tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp có vốn nước ngoài sản xuất xuất khẩu, mà còn tổ chức chiếm lĩnh thị trường trong nước.
"Hàng hóa của doanh nghiệp trong nước xuất ra nước ngoài thì khó, trong khi hàng của nước ngoài vào Việt Nam thì rất dễ. Các nước 'hẹp cửa' với hàng hóa Việt Nam, trong khi đó chúng ta lại để hàng hóa nước ngoài tràn vào gần như vô điều kiện vì thiếu hàng rào kỹ thuật", ông Nguyễn Quốc Anh - Chủ tịch Hội cao su nhựa nếu vấn đề.
Về phía UBND TP HCM, Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hà đồng tình với bức xúc của doanh nghiệp và cho rằng doanh nghiệp sản xuất không thể nào chịu đựng được lãi suất vay quá cao đến trên 10% như hiện nay. "Mức lãi suất 10% chỉ khuyến khích người ta đem gửi tiền ngân hàng chứ không thể khuyến khích sản xuất được. Người ta chỉ gửi để lấy lãi suất chứ không ai sản xuất kinh doanh với lãi suất như thế này cả. Vì vậy, Thành phố kiến nghị với Chủ tịch nước và các đại biểu Quốc hội phải kiên quyết làm sao để giảm lãi suất", ông Hà nói.
Các bộ ngành phải giải quyết nhanh những vấn đề vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Ảnh: Hữu Công |
Về ý kiến các doanh nghiệp trong nước đang thua ngay trên sân nhà, lãnh đạo UBND Thành phố cho rằng không nên kỳ thị doanh nghiệp FDI. "Một đội bóng mà không có cầu thủ ngoại thì mãi mãi chúng ta cứ đấu với nhau thôi, không thể nâng cấp lên được. Có họ thì mình mới nâng cao năng lực, có cái để thi đua", ông Hà ví von và cam kết sẽ xử lý những doanh nghiệp có vốn ngoại cạnh tranh không đúng luật.
Trước những ý kiến của các doanh nghiệp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng nếu tình trạng công nghiệp phụ trợ yếu tiếp tục tái diễn như hiện nay, Việt Nam sẽ mãi là một nền kinh tế gia công.
"Lợi nhuận thị trường này lớn nhưng không biết vì sao lại phụ thuộc vào nước ngoài. Tôi đến Nam Định, Tây Ninh, hầu hết những khu công nghiệp phụ trợ, nước ngoài đều nhảy vô làm, còn mình thì không thấy đâu. Một số cái ta thừa sức làm ở Việt Nam, nhưng lại đi nhập ở nước ngoài vào", Chủ tịch nước nói.
Theo Chủ tịch nước, chúng ta cứ ngồi và la lên "tại sao tôi phụ thuộc", nhưng do mình không sản xuất, dẫn đến nguyên liệu đầu vào phải phụ thuộc thôi. Nếu nước ngoài áp thuế cao thì ta sẽ bị thiệt hại nặng nề. "TP HCM rất năng động, mình có thể mời những người giỏi nhất trong từng lĩnh vực, ngành nghề ngồi lại với nhau, bàn, tháo gỡ. Qua đó, góp ý cho Trung ương cơ chế, chính sách", Chủ tịch Trương Tấn Sang nói.
Về chính sách kinh tế vĩ mô, Chủ tich nước thừa nhận đúng là hệ thống pháp luật của ta còn nhiều rắc rối. Song, so với cách đây khoảng 10 năm, pháp luật đã tiến bộ rất nhiều. "Các bộ ngành phải giải quyết nhanh những vấn đề vướng mắc để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Quốc hội và Chính phủ rất quan tâm đến chuyện làm luật. Tư tưởng luật thì như thế này nhưng đến nghị định, thông tư thì khác, như vậy sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Các sở ngành khi thấy thông tư hướng dẫn không phù hợp phải phản ánh ngay với bộ trưởng", ông yêu cầu.
Hữu Công
, ,
Sign up here with your email
ConversionConversion EmoticonEmoticon