Đề xuất lập Ủy ban Quản lý giám sát tài sản Nhà nước

Đề xuất lập Ủy ban Quản lý giám sát tài sản Nhà nước

Đề xuất lập Ủy ban Quản lý giám sát tài sản Nhà nước Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung cho rằng quyền đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại 30 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước quan trọng nên được giao cho một Ủy ban quản lý, giám sát tài sản nhà nước thuộc Chính phủ.
  • Doanh nghiệp Nhà nước cũng phải bình đẳng trong luật / Thêm chế tài quản lý doanh nghiệp Nhà nước

Sau những vụ việc gây thất thoát lớn tài sản Nhà nước tại Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) trước đây và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), đánh giá hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước đã trở thành chủ đề nóng trong giới chuyên gia trên các diễn đàn hay hội nghị.

doanh-nghiep-5967-1403751106.jpg

Các chuyên gia cho rằng quản trị doanh nghiệp Nhà nước cần cải cách triệt để. Ảnh: Công lý

Tại một hội thảo hồi đầu tháng 6 tại Hà Nội, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Vương Đình Huệ nhận định doanh nghiệp Nhà nước đang sử dụng 60% tổng nguồn vốn kinh doanh nhưng chỉ đóng góp trên 30% thu nhập quốc dân (GDP), cho thấy hiệu quả hiệu quả sản xuất, kinh doanh của khu vực này thấp, chưa tương xứng với nguồn lực đang nắm giữ.

Hay trong báo cáo của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, các chuyên gia cũng liên tục đưa vấn đề này ra bình luận. Cuối năm ngoái, trong bản báo cáo kinh tế vĩ mô "Thách thức còn ở phía trước" của cơ quan này, tiến sĩ Đinh Tuấn Minh đánh giá sự sa sút của doanh nghiệp Nhà nước là một trong những nguyên nhân chính tạo nên suy thoái kinh tế kéo dài và tác động tiêu cực lên bức tranh nợ xấu - vốn ảm đạm trong nhiều năm qua.

Với chủ đề "Cải cách thể chế kinh tế: Chìa khóa cho tái cơ cấu", báo cáo thường niên của Ủy ban Kinh tế tiếp tục mổ xẻ những nguyên nhân gây yếu kém với tham vọng đưa ra những biện pháp nhằm giải quyết triệt để những tồn tại của khu vực doanh nghiệp Nhà nước - vốn được coi là đầu tàu kinh tế trong nước.

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhận định nguyên nhân đầu tiên khiến khối doanh nghiệp Nhà nước hoạt động không hiệu quả chính là cơ chế thực hiện quyền chủ sở hữu nhà nước không còn phù hợp.

Một số bộ đang được phân công thực hiện quyền chủ sở hữu tại doanh nghiệp, song mỗi cơ quan chỉ được thực hiện một hoặc một số quyền trong tập hợp các quyền của chủ sở hữu nhà nước. Hệ quả là các quyết định phải qua nhiều thủ tục hành chính, kéo dài về thời gian, đồng thời khiến quyền chủ sở hữu bị phân tán và trách nhiệm giải trình bị mờ nhạt, bởi cuối cùng không có cơ quan, cá nhân trực tiếp chịu trách nhiệm về kết quả, hiệu quả kinh doanh, kết quả bảo toàn, phát triển vốn đầu tư.

Theo tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, hiện nay đã có hai phương án được đưa ra, một là thành lập Ủy ban quản lý, giám sát tài sản nhà nước tại doanh nghiệp thuộc Chính phủ với người đứng đầu tương đương cấp Bộ trưởng, làm đầu mối thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với khoảng 30 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quan trọng, bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC).

Bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý các doanh nghiệp Nhà nước công ích đặc thù khó có khả năng xã hội hóa. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện các quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng và SCIC thực hiện chức năng đại diện chủ sở hữu đối với số còn lại.

Ở phương án thứ hai, Chính phủ sẽ thành lập, Cục, Vụ hoặc Ban trong các bộ chuyên ngành ở các tỉnh, thành phố vẫn còn lượng lớn doanh nghiệp Nhà nước làm đầu mối chuyên trách thực hiện quyền, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước.

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cho biết để đảm bảo việc thoái vốn, cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước thì phương án thứ nhất sẽ là sự cải cách tương đối triệt để nhất, khắc phục được các khiếm khuyết hiện nay.

Bên cạnh đó, lỗ hổng trong theo dõi, giám sát và đánh giá doanh nghiệp Nhà nước cũng là một nhân tố khiến các sai phạm chưa được phát hiện kịp thời. Theo ông, việc chấm điểm doanh nghiệp một lần trong một năm là quá ít, không thể hiện tính liên tục. Ngoài ra, quá trình xác nhận kết quả đánh giá cũng thường chậm trễ (2 năm sau đánh giá) cũng làm giảm, thậm chí mất đi ý nghĩa của đánh giá trong quản trị công ty.

Do đó, lãnh đạo CIEM khuyến nghị cần đưa nội dung công khai và minh bạch hóa thông tin trở thành thành phần không thể thiếu trong khung quản trị công ty, từ đó yêu cầu người chủ sở hữu thực sự phải có thông tin đầy đủ, kịp thời và chính xác về doanh nghiệp, biết được tài sản của Nhà nước đang được quản lý và sử dụng như thế nào, có đúng mục đích và hiệu quả hay không...

Cuối cùng, sự yếu kém của bộ máy điều hành cũng là nhân tố khiến doanh nghiệp Nhà nước đi xuống. "Suy tới cùng tất cả mọi đơn vị, từ đổ vỡ đến làm ăn có hiệu quả đều xuất phát là người cán bộ. Nhưng tập trung giải mã điều này thì tồn tại rất nhiều bất cập", ông Phạm Ngọc Cảnh - Phó Bí thư Tập đoàn Dầu khí Việt Nam chia sẻ.

Ngoài vấn đề đạo đức, nhiều lãnh đạo cho rằng cơ chế tiền lương chưa tạo ra đòn bẩy cũng là nguyên nhân khiến lãnh đạo doanh nghiệp phát huy chưa hết khả năng., gây khó khăn trong việc tuyển chọn lao động, nhất là lao động quản lý và lao động có trình độ, kỹ năng cao.

Hiện nay, các chủ tịch, thành viên hội đồng thành viên và giám đốc, tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước đang bị áp mức trần lương tối đa mỗi năm. "Tiền lương của người quản lý doanh nghiệp Nhà nước đang được định theo mối tương quan với lương của công chức nhà nước, hơn là người quản lý doanh nghiệp", tiến sĩ Nguyễn Đình Cung nhận xét. Thậm chí, một lãnh đạo của SCIC, đơn vị đang đại diện Nhà nước nắm vốn tại nhiều doanh nghiệp cổ phần cũng cho rằng cơ chế thù lao hiện tại chưa đủ để thúc đẩy người đại diện vốn hay lãnh đạo làm hết sức mình.

Do đó, tại báo cáo của Ủy ban Kinh tế, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung kiến nghị cần phải cải cách cơ chế lương, căn cứ mức độ hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của doanh nghiệp, phù hợp với tiền lương và cung - cầu lao động trên thị trường những người quản lý công ty. Đồng thời, phải công khai đầy đủ toàn bộ tiền lương và thu nhập khác từ doanh nghiệp của người quản lý trong báo cáo hàng năm để đảm bảo công tác quản trị.

"Tiền lương là giá của sức lao động, phải được xác định theo quan hệ cung - cầu trên thị trường, thông qua tách biệt bổn phận và chức năng của người quản lý doanh nghiệp. Họ chỉ là người quản lý doanh nghiệp, không phải là công chức nhà nước, không thể áp dụng các chính sách, chế độ, công cụ làm việc, cách thức đánh giá và trả lương của công chức nhà nước cho người quản lý doanh nghiệp", ông nhấn mạnh.

Phương Linh

, ,

Previous
Next Post »