Vốn cho công nghiệp phụ trợ trông đợi 'nồi cơm thạch sanh'

Vốn cho công nghiệp phụ trợ trông đợi 'nồi cơm thạch sanh'

Vốn cho công nghiệp phụ trợ trông đợi 'nồi cơm thạch sanh' Dù đã có chính sách phát triển hơn chục năm, song công nghiệp phụ trợ Việt Nam vẫn đang băn khoăn với bài toán vốn để có thể đầu tư trang thiết bị.
  • Chuyên gia: Việt Nam thừa sức làm ra ốc vít nhưng để làm gì / Tuyển doanh nghiệp làm ốc vít, sạc pin cho Samsung

Theo số liệu của Viện chiến lược công nghiệp (Bộ Công Thương), Việt Nam có khoảng 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế tạo thì chỉ 200 doanh nghiệp trong nước đủ trình độ tham gia sản xuất cho nước ngoài, tập trung vào lĩnh vực xe máy và điện tử. Công nghiệp ôtô, dệt may, cơ khí đặt mục tiêu nội địa hóa 60-70%, song đến nay vẫn chủ yếu phải nhập linh kiện, nguyên phụ liệu từ nước ngoài, giá trị gia tăng thấp.

"Nhìn lại các vấn đề phát triển công nghiệp hỗ trợ nhằm phát triển ngành công nghiệp ôtô, xe máy và các cuộc tìm kiếm doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất linh kiện cho Samsung, đã có sự vào cuộc của các cơ quan Nhà nước nhưng đến nay dễ trở thành con số không", ông Trần Văn Quang - Vụ phát triển khoa học công nghệ địa phương (Bộ Khoa học & Công nghệ) phát biểu tại cuộc tọa đàm về phát triển công nghiệp hỗ trợ tổ chức tại Hải Phòng chiều 12/5.

doanh-nghiep-1694-1431478219.jpg

Doanh nghiệp đang giới thiệu sản phẩm tại sàn giao dịch công nghệ và thiết bị trực tuyến Hải Phòng. Ảnh: Bùi Khánh

Ông Nguyễn Mại - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng cảm thấy "đáng tiếc" khi kể từ năm 2001, Nhà nước đã có quyết định thành lập khu công nghiệp hỗ trợ tại Hải Phòng, Vũng Tàu nhưng hiện vẫn chưa có chính sách cụ thể để các khu này phát triển nổi trội.

Đại diện một công ty cơ khí tại Hải Phòng cho hay sau 5 năm làm ở Nhật Bản liên quan đến công nghiệp hỗ trợ cho ôtô, ông quyết định về Việt Nam mở một công ty làm phụ trợ thì gặp ngay khó khăn về vốn ngân hàng.

"Mong chính sách Chính phủ chi tiết và cụ thể hơn, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam. Khi tôi sang Nhật Bản, họ giới thiệu công ty vốn là 5 tỷ, nhưng máy móc thì phải hơn 100 tỷ đồng. Tôi có hỏi tại sao các ông vốn ít lại đầu tư lớn được như vậy, họ nói rằng do Chính phủ hỗ trợ vốn với lãi suất vay chỉ 0,5%. Đây là một trong những yếu tố hỗ trợ doanh nghiệp phát triển", đại diện một doanh nghiệp kiến nghị.

Để giải quyết khó khăn này, Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Phạm Công Tạc cho hay Chính phủ đã cho thành lập Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, chính thức đi vào hoạt động từ tháng 1/2015. Với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng, ông Đỗ Văn Lộc - Giám đốc quỹ nhận xét đây là "nồi cơm thạch sanh" bởi nếu năm nay dùng hết số vốn này, năm sau Chính phủ sẽ bù tiếp để đạt1000 tỷ đồng.

Quỹ sẽ tài trợ, cấp kinh phí không thu hồi, cho vay ưu đãi lãi suất và bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn với các dự án. Nếu đáp ứng được các tiêu chí về công nghệ tiên tiến, quỹ sẽ hỗ trợ tối đa 30% tổng kinh phí trong hợp đồng chuyển giao công nghệ hoặc 70% đối với các dự án liên quan bảo vệ sức khỏe, phòng chống thiên tai dịch bệnh hoặc chuyển giao công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp tại địa bàn khó khăn. Quỹ cũng hỗ trợ tối đa 50% tổng kinh phí trong hợp đồng chuyển giao công nghệ đối với các dự án công nghệ cao.

Theo các doanh nghiệp nhận định, dù vốn của quỹ chưa lớn, song đây cũng là một giải pháp được trông đợi để hỗ trợ cải tiến máy móc, làm chủ công nghệ, sản xuất các sản phẩm mang thương hiệu Việt.

"Việc Nhà nước quyết định thành lập một quỹ hỗ trợ phát triển công nghệ là một bước đột phá, dù 1.000 tỷ đồng không lớn nhưng mở ra cơ hội cho doanh nghiệp", Thứ trưởng Phạm Công Tạc nhận xét.

Ông Đan Đức Hiệp - Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân Hải Phòng cũng cho biết với vị trí được Chính phủ giao thực hiện khu công nghiệp hỗ trợ, sắp tới thành phố sẽ mời các doanh nghiệp lớn trên địa bàn như LG, Fuji Xerox đến để bàn xem họ cần gì, bởi điều này sẽ tránh được tình trạng xây dựng xong khu công nghiệp nhưng không có doanh nghiệp vào hoạt động, hoặc không có đơn đặt hàng.

Phương Linh

, ,

Previous
Next Post »