‘Transformers: Age of Extinction’ và màn phô diễn kỹ xảo

'Transformers: Age of Extinction' và màn phô diễn kỹ xảo

'Transformers: Age of Extinction' và màn phô diễn kỹ xảo

Phần bốn của bom tấn về các robot biến hình tiếp tục thỏa mãn nhu cầu xem, nghe của khán giả dù câu chuyện không khác nhiều so với các tập trước.

  • 10 phim chiếu rạp Việt Nam trong tháng 6 / Đoàn phim 'Transformers 4' đẩy mạnh quảng bá ở châu Á

Ra mắt phần đầu tiên từ năm 2007, Transformers đã tạo nên cơn sốt lớn trên toàn cầu và trở thành một "thương hiệu" được hàng triệu khán giả ngóng đợi tại các rạp chiếu. Michael Bay đã đưa những người máy xếp hình, vốn là loại đồ chơi rất được ưa chuộng của hai công ty Takara Tomy (Nhật) và Hasbaro (Mỹ), lên màn ảnh rộng bằng những công nghệ điện ảnh tân tiến nhất. Bộ ba Transformers đầu tiên đem về doanh thu lên tới gần 2,7 tỷ USD và trở thành một trong những cái tên ăn khách nhất mọi thời đại. Tiếp nối thành công trên, vị đạo diễn thực hiện tiếp phần bốn và biến nó trở thành bom tấn được chờ đợi nhất mùa phim hè 2014.

Trailer phim "Transformers: Age of Extinction"

Transformers: Age of Extinction lấy bối cảnh thời gian 4 năm sau trận đại chiến tại Chicago (Mỹ) ở phần ba, Dark of the Moon. Dàn diễn viên người thật trong loạt phim cũ được thay thế bằng các nhân vật mới, cụ thể là Cade Yeager (Mark Wahlberg) - một kỹ sư và là một người cha đơn thân, sống cùng cô con gái tuổi teen Tessa (Nicola Peltz) ở Texas. Nội dung chính của phim vẫn là cuộc chiến giữa hai phe robot Autobot và Decepticon. Phần này, các Autobot bị chính con người truy đuổi và kẻ phản diện trong những phần trước là Megatron tái sinh dưới một hình hài khác…

Poster chính thức của bom tấn "Transformers: Age of Extinction".

Poster chính thức của bom tấn "Transformers: Age of Extinction".

Cùng với James Cameron, Michael Bay cũng thuộc nhóm các đạo diễn tiên phong về công nghệ điện ảnh. Qua mỗi phần Transformers, ông lại cống hiến cho người xem những trường đoạn hành động xuất sắc, gây ấn tượng mạnh mẽ về thị giác. Các cuộc chiến, các màn cháy nổ ngày một sáng tạo, dữ dội và có tính giải trí cao hơn. Biết được lợi thế của mình, Michael Bay khiến Transformers: Age of Extinction còn mãn nhãn hơn ba phần trước bởi các màn phô diễn kỹ xảo liên tiếp, khiến người xem có thể không kịp "thở" mà vẫn hào hứng theo dõi suốt 165 phút.

Ngay ở tập đầu tiên, màn biến hình của các chú robot khổng lồ đã khiến từ trẻ em tới người lớn đều phải say mê. Trong tập này, những màn lắp ghép ấy - đặc biệt là của những nhân vật robot mới - được dàn dựng mãn nhãn và táo bạo hơn với những góc nhìn đa dạng. Ngay ở những giây đầu tiên của phim, Michael Bay đã cho người xem "khai vị" bằng một trường đoạn kỹ xảo gây choáng ngợp với những chú khủng long…

Sau khi đại phá Chicago ở phần trước, binh đoàn robot hai phe kéo nhau tới Hong Kong - một trong những thành phố đông dân nhất châu Á - để "quậy" tiếp. Trường đoạn hành động ở trong những khu nhà tập thể cao chọc trời đặc trưng ở Hong Kong cùng cảnh quay ở núi Thái Bình thể hiện cho sự sáng tạo và những nỗ lực không ngừng nghỉ của Michael Bay cùng êkíp với mục đích cống hiến cho người xem một tác phẩm có tính giải trí cao, thể hiện rằng công nghệ điện ảnh có thể tạo nên nhiều điều kỳ diệu.

Khác với những bom tấn của đạo diễn Christopher Nolan hay những phim kiểu như series X-Men (cân bằng giữa hai yếu tố câu chuyện và kỹ xảo), Michael Bay dường như đã thể hiện rất rõ ràng tiêu chí của Transformers ngay từ những tập đầu. Loạt phim này chỉ đơn giản là thuần giải trí, thỏa mãn phần nghe nhìn của người xem chứ không có mục đích nghệ thuật nào. Chính vì vậy, khán giả ra rạp chắc chắn không thể đòi hỏi Transformers: Age of Extinction vừa đẹp lại vừa có chiều sâu.

Người dân Hong Kong tháo chạy khi các robot khổng lồ kéo tới đây đánh nhau.

Người dân Hong Kong tháo chạy khi các robot khổng lồ kéo tới đây đánh nhau.

Mặc dù đã được làm mới toàn bộ dàn diễn viên cùng một cốt truyện thay đổi nhưng về bản chất, kịch bản của Transformers: Age of Extinction vẫn khá nhạt nhẽo và không khác mấy so với tập hai và tập ba. Vẫn là cuộc chiến giữa hai phe robot Thiện và Ác - Autobot và Decepticon, vẫn là những màn phá nát một thành phố xấu số nào đó bị những kẻ khổng lồ ngoài hành tinh lựa chọn làm "chiến trường", vẫn là những thông điệp tình cảm gia đình, tình yêu được lồng ghép khá gượng ép. Nếu như phần một còn mang tính chất khác lạ về câu chuyện thì nội dung của phần hai, phần ba và phần bốn đều na ná nhau, tối giản tới mức thô sơ.

Trong phần này, để tăng thêm "tính người" của các robot mà Michael Bay đã để những nhân vật người máy nói quá nhiều thoại, pha trò kém duyên khiến đoạn đầu tiên của phim trở nên lê thê, dài dòng. Phần giới thiệu các nhân vật người đóng cũng khá rườm rà, gây sốt ruột. Điểm sáng ở tuyến nhân vật người trong phần bốn là Mark Wahlberg vốn là một ngôi sao cơ bắp nên tạo hình nhân vật của anh có tố chất hành động hơn hẳn Shia LaBeouf ở bộ ba cũ. Những pha bắn súng của Mark Wahlberg trong phim gợi nhớ nhiều tới hình ảnh trong Shooter.

Tuy phần hình ảnh kỹ xảo ngày một dữ dội hơn nhưng trong phần bốn này, Transformers rất hẻo mỹ nhân. Nếu như ở phần một, Megan Fox - khi đó còn chưa có nhiều tên tuổi - để lại ấn tượng khó phai chỉ với cảnh lật nắp xe hơi dưới ánh chiều tà, thì Nicola Peltz ở phần mới lại khá nhạt. Megan Fox sở hữu vẻ gợi cảm, quyến rũ và nét đẹp sexy đó càng nổi bật giữa dàn robot mạnh mẽ. Nhưng Nicola Peltz, với mái tóc vàng hoe và làn da rám nắng phổ biến, lại giống như một hot girl trường trung học hơn, hoàn toàn không phù hợp và tương xứng với Transformers. Về điểm này có lẽ Michael Bay cần học hỏi thêm ở loạt phim Fast & Furious.

Nicola Peltz (trái) của phần bốn nhạt nhòa hơn hẳn Megan Fox của hai phần đầu.

Nicola Peltz (trái) của phần bốn nhạt nhòa hơn hẳn Megan Fox của hai phần đầu.

Trong vài năm trở lại đây, một số thị trường lớn ở châu Á như Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc hay Hong Kong, Đài Loan đã trở thành mục tiêu của Hollywood. Chính vì vậy, sự xuất hiện của các ngôi sao đến từ những thị trường châu Á trong các bom tấn Mỹ không còn là điều quá mới mẻ. Sau Phạm Băng Băng trong X-Men: Days of Future Past, màn ảnh rộng hè này lại có thêm Lý Băng Băng là ngôi sao Trung Quốc xuất hiện trong Transformers: Age of Extinction. Được cho nhiều đất diễn, nhiều thoại và các pha hành động hơn đồng nghiệp cùng tên họ Phạm nhưng cách thể hiện của mỹ nhân họ Lý lại rất gượng gạo, không để lại ấn tượng gì.

Những khán giả đặt nặng về nội dung, câu chuyện khi xem phim hoặc chuộng phong cách Nolan hay X-Men hẳn sẽ buông nhiều lời chê bai sau khi ra khỏi rạp. Tuy nhiên, Transformers: Age of Extinction được định hình rõ là một tác phẩm để giải trí, để xem những màn phô diễn kỹ xảo, để thấy được công nghệ điện ảnh thế giới đã phát triển đến mức nào. Chính vì vậy, dù các nhà phê bình có chấm điểm thấp đến thế nào đi chăng nữa, đây vẫn là một bộ phim sẽ thỏa mãn khán giả đại chúng nhất trong mùa hè này và chắc chắn có phần sau. Con số doanh thu trên 1 tỷ USD không phải là điều xa vời hay đáng mơ ước với nhà sản xuất cũng như nhà phát hành.

Transformers: Age of Extinction khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 27/6 - cùng ngày với khu vực Bắc Mỹ.

Nhóm Imagine Dragons biểu diễn bài hát nhạc phim "Battle Cry"

Nguyên Minh

, ,

Previous
Next Post »